Tiêu chuẩn ZDHC là gì? ZDHC MRSL, ZDHC Gateway là gì?
ZDHC là gì? Đây là câu hỏi được rất nhiều bạn quan tâm, đặc biệt là những bạn đang làm trong lĩnh vực hóa nhuộm và may mặc. Ngoài ra, các bạn cũng đang thắc mắc ZDHC MRSL là gì? Hay ZDHC Gateway là gì? Những yêu cầu đối với nhà cung cấp hóa chất (chemical suppliers) như thế nào? Để giải đáp những thắc mắc này, mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết hôm nay nhé!
- MIỀN BẮC : 033.211.7777
- MIỀN NAM : 0903.723.006
Thông tin chi tiết
I. ZDHC là gì?
1. ZDHC (Zero Discharge Hazardous Chemical)
Đầu tiên, ZDHC được viết tắt từ chữ tiếng Anh là Zero Discharge Hazardous Chemical, dịch là “Không xả thải các hóa chất độc hại”. Người ta có thể gọi nó là một chương trình, một tiêu chuẩn hay là một chứng nhận. Đây là một sáng kiến của 29 thương hiệu (Brands) may mặc và giày da toàn cầu nhằm thực hiện việc quản lý hóa chất một cách an toàn, thực hành tốt cho môi trường và đời sống cong người trong các đối tác chuối cung ứng.
ZDHC được thiết lập với 4 lĩnh vực chính và 2 lĩnh vực liên ngành. Những lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các hóa chất độc hại (hazardous chemicals) trong chuỗi cung ứng dệt may và da giày. Nó bao gồm:
ZDHC MRSL (Danh sách các chất bị hạn chế trong sản xuất)
Chất lượng nước thải
Đánh giá quy trình
Đào tạo quản lý hóa chất không nguy hiểm
Trong hơn 20 năm qua, nhiều nhóm như AAFA (American Apparel and Footwear Association), AFIRM (Apparel & Footwear International, RSL Management Group) và OIA CMWG (Outdoor Industry Association Industry Management Working Group), nhiều thương hiệu, phòng thí nghiệm… đã và đang nổ lực quảng bá chương trình ZDHC có kế hoạch cho nhiều công ty, từ xưởng nhuộm (Dyeing house), nhà máy da (Leather Factory) và nhà sản xuất hóa chất (Chemical supplier).
2. Các cấp độ của ZDHC
Hiện nay, ZDHC có 4 cấp độ từ 0 đến 4 như sau đối với nhà cung cấp hóa chất (Chemical suppliers hay Formulators):
ZDHC-level
Level 0: Tự kê khai của nhà cung cấp (Supplier Declaration)
Level 1: Kiểm tra chứng từ hoặc gửi mẫu kiểm tra (Document Review or Test)
Level 2: Quản lý sản phẩm (Product Stewardship)
Level 3: Thăm địa điểm nhà cung cấp (Chemical Supplier Site Visit)
Một sản phẩm đạt được chứng nhận Bluesign sẽ tương đương với ZDHC level 3.
II. ZDHC MRSL là gì?
1. ZDHC MRSL (Manufacturing Restricted Substances List)
ZDHC Manufacturing Restricted Substances List, được viết tắt là ZDHC MRSL là danh sách các chất hạn chế sản xuất. Đây là một bản danh sách gồm các chất hóa học. Những chất này bị cấm sử dụng có chủ đích trong các cơ sở sản xuất vật liệu dệt may, da giày, cao su, xốp, chất kết dính và các phụ liệu trong ngành dệt may, và da giày. Sử dụng các công thức hóa chất tuân thủ ZDHC MRSL giúp các nhà cung cấp đảm bảo với chính họ và khách hàng của mình rằng các chất hóa học bị cấm không được sử dụng có chủ đích trong quá trình sản xuất và điều chế.
ZDHC MRSL đã vượt ra khỏi các phương pháp tiếp cận truyền thống đối với các hóa chất bị hạn chế vốn chỉ áp dụng cho các thành phẩm hay sản phẩm cuối (Product Restricted Substances List – PRSL). Cách tiếp cận mới này đồng thời giúp bảo vệ người tiêu dùng và giảm thiểu những tác động có thể có của các loại hóa chất độc hại bị cấm đối với công nhân, cộng đồng địa phương và môi trường.
Các công thức hóa học được đề cập trong ZDHC MRSL bao gồm các chất được sử dụng trong quá trình sản xuất nguyên liệu thô, các quá trình ướt, quá trình bảo trì máy móc, xử lý nước thải, vệ sinh và kiểm soát dịch hại. Các chất này bao gồm:
Các chất vệ sinh Cleaners)
Chất kết dính (Adhensives)
Sơn (Paints)
Mực (Inks)
Các chất tẩy (detergents)
Thuốc nhuộm (Dyes)
Các chất tạo màu (Colorants)
Trợ chất (Auxiliaries)
Chất phủ (Coatings)
Chất hoàn tất (Finishing agents)
Giới hạn cho các chất hóa học trong ZDHC MRSL áp dụng cho các chất thành phẩm trên thị trường. Nó không áp dụng cho các chất từ các giai đoạn tổng hợp hóa học trước đó.
Cho đến nay, ZDHC MRSL đã có hai phiên bản. Phiên bản mới nhất hiện tại là version 2.0.
2. Một số lưu ý khi sử dụng ZDHC MRSL
Khi bạn đã biết ZDHC MRSL là gì rồi thì bạn cũng nên biết cách sử dụng nó sao cho đúng. Thông tin trong ZDHC chỉ cung cấp những thông tin để tham khảo cho các bên khi muốn thực hiện chương trình này. Khi sử dụng ZDHC MRSL, chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:
Việc đáp ứng các yêu cầu của ZDHC không đồng nghĩa với việc thay thế các hạn chế tại các quốc gia hiện hành về môi trường hoặc an toàn tại nơi làm việc.
Người lao động tiếp xúc với các hóa chất trong ZDHC MRSL và các chất độc khác không được vượt quá giới hạn phơi nhiễm nghề nghiệp.
Ngoài ra, nó cũng không đảm bảo tuân thủ hoặc thay thế các yêu cầu pháp lý hoặc quy định liên quan đến việc sử dụng, bảo quản, vận chuyển các sản phẩm hóa chất.
ZDHC MRSL không thay thế các hạn chế của pháp lý và hạn chế của các thương hiệu cụ thể về các chất độc hại trong thành phẩm, bao gồm cả các thành phần vật liệu của chúng.
III. ZDHC Gateway là gì?
1. ZDHC Gateway
ZDHC Gateway là một nền tảng (flatform) mạnh mẽ cho sự thay đổi, kết nối ngành công nghiệp thời trang toàn cầu cho phép quản lý hóa chất bền vững. Đây là một cơ sở dữ liệu online lớn nhất thế giới dành riêng cho việc tạo ra các lựa chọn an toàn hơn về các sản phẩm hóa chất cho ngành dệt may và giày da. ZDHC thể hiện sự minh bạch và hợp tác để loại bỏ các chất độc hại ra khỏi chuổi cung ứng toàn cầu, giống như tiêu chí của chương trình này.
Nó giúp đơn giản hóa việc triển khai các giải pháp thay thế hóa chất an toàn hơn bằng cách đăng kí và tìm kiếm các giải pháp hóa học an toàn hơn. Cổng ZDHC Gateway gồm 2 modules: Hóa chất và nước thải, bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất.
Trên cổng ZDHC Gateway, các thông tin như tên nhà cung cấp, tên sản phẩm, công dụng, SDS, TDS, test report, số lượng sản phẩm đạt ZDHC, level của mỗi sản phẩm… được thể hiện rõ.
Tính đến thời điểm hiện tại (tháng 6/2022), đã có 52 thương hiệu, 6900 nhà cung cấp và 55000 báo cáo hiệu quả đã có mặt trên cổng ZDHC Gateway. Và con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai.
2. Lợi ích khi sử dụng ZDHC Gateway
a. Lợi ích đối với các thương hiệu
Tăng cường các mối quan hệ trên toàn bộ chuỗi giá trị của bạn
Mời, kết nối và đánh dấu các nhà cung cấp tiềm năng
Thể hiện chi tiết chuỗi cung ứng công khai trên DOTEX.live
Đưa ra quyết định mua sắm sáng suốt
Tạo và chia sẻ các sản phẩm hóa chất ưa thích với các nhà cung cấp
Dễ dàng nắm bắt, so sánh các dữ liệu tồn kho, đánh giá và thử nghiệm
Báo cáo kho lưu trữ trực tuyến của bạn cho các bên liên quan cùng lúc
Xem và download dữ liệu hiệu quả đầu vào (Input) và đầu ra (Output) của các nhà cung cấp (Báo cáo Performance InCheck và báo cáo ClearStream)
b. Lợi ích đối với các nhà cung cấp (Suppliers)
Kết nối trực tiếp với các thương hiệu mà bạn làm việc
Tìm kiếm và liên hệ khách hàng mới tìm năng
Xem danh sách các hóa ưa thích của khách hàng của bạn
Nghiên cứu các giải pháp thay thế hóa chất an toàn hơn với > 50 ngàn sản phẩm hóa học có sẵn trong tầm tay bạn
Tìm kiếm thông tin về sản phẩm và hóa chất mà bạn cần (Như SDS, TDS, các chứng nhận)
Giao diện người dùng tương tác để biết đầy đủ chi tiết sản phẩm
Các profile của các cơ sở cụ thể
Mời các nhà cung cấp hóa chất tiết lộ thông tin hóa chất
Chia sẻ dữ liệu nước thải đã được xác minh, các báo cáo Performance InCheck và ClearStream reports dễ dàng cho các khách hàng.
c. Lợi ích đối với các nhà cung cấp hóa chất (Formulators)
ZDHC Gate là nơi để bạn liên hệ với khách hàng
Khách hàng có thể tiếp cận thông tin dễ dàng, giảm được thời gian yêu cầu thông tin
Tăng sự tương tác của khách hàng bằng việc cung cấp trực quan các chứng nhận, SDS…
Tăng phạm vi tiếp cận sản phẩm tuân thủ ZDHC MRSL mà khách hàng tìm năng dễ tìm thấy
Cơ hội tìm kiếm khách hàng mới nhiều hơn (Do có khả năng tên của bạn có thể hiển thị trên hồ sơ của các Suppliers và Brands)
Có thể xuất danh sách các sản phẩm với công dụng, level tương ứng… dưới dạng Excel.
Tạo báo cáo Chemcheck để chứng minh sự tuân thủ của sản phẩm của bạn với ZDHC MRSL cho những khách hàng chưa tham gia Gateway.
IV. Danh sách các bên tham gia ZDHC
ZDHC là một tổ chức đa bên gồm hơn 170 cộng tác viên từ các thương hiệu, nhà cung cấp hóa chất, nhà dệt may và da giày, nhà cung cấp giải pháp và các tổ chức cộng tác khắp nơi trên thế giới.
1. Các thương hiệu (Brands)
Các thương hiệu lớn đã và đang tham gia rất nhanh chóng và tích cực vào ZDHC. Nó không chỉ vì lợi ích của người lao động, người tiêu dùng, môi trường mà cũng vì chính bản thân họ. Tham gia với ZDHC mang lại nhiều lợi ích cho các thương hiệu. Nó giúp các thương hiệu tạo niềm tin với khách hàng và các đối tác.
2. Các nhà cung cấp hóa chất (Chemial Industry)
Các nhà cung cấp hóa chất luôn hướng đến chương trình này ngay từ những ngày đầu tiên. Trong đó, có nhiều thương hiệu hóa chất trên khắp thế giới. Đa số các nhà cung cấp này đã có mặt tại Việt Nam.
3. Các nhà dệt may và da giày (Textile and Footwear Industry)
Nhiều nhà dệt may và da giày nổi tiếng nằm trong danh sách này.
4. Các nhà cung cấp giải pháp (Solution Provider)
Nhiều nhà cung cấp giải pháp, bên thứ ba (third-party) nằm trong dan sách này như: TÜV SÜD, Bureau Veritas, SGS, Intertex…
5. Các tổ chức cộng tác (Associates)
Hiện nay có nhiều tổ chức cộng tác với ZDHC như TEGAWA, Oeko-Tex… và trong tương lai danh sách này sẽ còn dài hơn.
VI. Các trung tâm test ZDHC MRSL tại Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam có một số trung tâm phân tích (bên thứ 3) có đủ năng lực để test Danh sách các hóa chất hạn chế của ZDHC. Kết quả test sau đó được công nhận trên khắp thế giới và được dùng để upload lên ZDHC Gateway. Danh sách một số phòng thí nghiệm đủ năng lực để test mẫu được:
TÜV SÜD Việt Nam
Bureau Veritas Việt Nam
SGS Việt Nam
…
Lời kết
Cùng với các tiêu chuẩn ngành dệt may như Bluesign, Oeko-tex, ISO… thì ZDHC là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu được các thương hiệu, các nhà máy nhuộm, các nhà cung cấp hóa chất… rất quan tâm. Cùng với sự phát triển của xã hội, các yêu cầu đối với những sản phẩm không còn dừng lại ở mức đẹp mà còn phải thân thiện với con người, với môi trường. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải thực sự chú ý nếu muốn thương hiệu của mình tồn tại.