Kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường
Kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường
Có hiệu lực kể từ ngày 06/02/2018, Thông tư 13/2017-TT-BTC nêu rõ: kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường, bao gồm: Quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu, viễn thám, đa dạng sinh học và một số nhiệm vụ chi khác về tài nguyên môi trường.
Theo Thông tư trên, ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường do các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường do các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện.
Đối với lĩnh vực đất đai, các hoạt động như: Điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng theo định kỳ và theo chuyên đề theo quyết định của cấp có thẩm quyền; Tổng hợp, báo cáo thống kê đất đai; kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của cả nước và theo vùng; thống kê, kiểm kê đất quốc phòng, an ninh; Lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh; Điều tra thu thập thông tin xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, theo từng vùng; lập bản đồ giá đất; Xây dựng, cập nhật, quản lý thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia sẽ thuộc nhiệm vụ chi hoạt động kinh tế về tài nguyên môi trường của ngân sách trung ương.
Ngân sách địa phương sẽ chi hoạt động kinh tế như: Điều tra, đánh giá đất đai của địa phương theo định kỳ và theo chuyên đề; Lập, chỉnh lý bản đồ địa chính ở địa phương; Thống kê đất đai; kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của địa phương; Lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện; Điều tra thu thập thông tin xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, xác định giá đất cụ thể của địa phương; lập bản đồ giá đất; Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; đăng ký biến động đất đai, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cập nhật biến động đất đai của địa phương theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có); Xây dựng, cập nhật, quản lý thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương.
Đối với lĩnh vực đo đạc bản đồ, ngân sách trung ương sẽ chi cho các hoạt động như: Thiết lập hệ quy chiếu quốc gia, hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ thống điểm đo đạc cơ sở chuyên dụng; Thành lập và hiện chỉnh hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; lập bản đồ hành chính toàn quốc và cấp tỉnh; đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia; bản đồ chuyên đề phục vụ mục đích chuyên dụng của ngành; Xây dựng hệ thống không ảnh cơ bản, hệ thống không ảnh chuyên dụng; hệ thống địa danh sử dụng trong đo đạc và bản đồ; Xây dựng, cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia, cơ sở dữ liệu địa lý chuyên dụng, dữ liệu không gian địa lý; Duy trì, bảo trì hệ thống điểm đo đạc quốc gia, điểm đo đạc cơ sở chuyên dụng.
Còn các hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ yêu cầu quản lý của từng địa phương: Thiết lập các điểm đo đạc cơ sở chuyên dụng; xây dựng hệ thống không ảnh chuyên dụng; thành lập bản đồ hành chính cấp huyện, bản đồ chuyên đề phục vụ mục đích chuyên dụng; Đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính theo quy định của pháp luật; Xây dựng, quản lý thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ, địa giới hành chính của địa phương sẽ thuộc nhiệm vu chi của ngân sách địa phương. Ngoài ra, các lĩnh vực khác cũng được quy đinh rõ về nhiệm vụ chi ngân sách thuộc Trung ương hay địa phương.
Thông tư cũng quy định: Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.