Tái chế rác thải: 10% và 99%
Tái chế rác thải: 10% và 99%
Theo số liệu thống kê, trong 3 tháng gần đây, số lượng phế thải nhập đã tăng đột biến khoảng 50% so với các tháng trước đó, trung bình 30.000 tấn/tháng.
8 tháng đầu năm 2017, cả nước đã nhập gần 200.000 tấn phế thải, đáng chú ý, trong 3 tháng gần đây, số lượng đã tăng đột biến khoảng 50% so với các tháng trước đó, trung bình 30.000 tấn/tháng.
Theo một doanh nghiệp, lượng hàng sản xuất ra không kịp để bán, các đơn hàng như hạt nhựa thành phẩm, chủ yếu để xuất sang Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã tới Việt Nam để mở xưởng sản xuất tái chế phế liệu nhựa. Sau khi thu được hạt nhựa, sẽ chuyển hạt nhựa thành phẩm về Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây sẽ là thách thức về môi trường của Việt Nam.
Hiện trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận còn nhiều xưởng tái chế phế liệu tự phát, không nằm trong các khu công nghiệp nên khó kiểm soát, đảm bảo về môi trường.
Việt Nam mới chỉ tái chế sử dụng gần 10% lượng rác thu gom
Rác thải cũng được coi là một “nguồn tài nguyên” vì nhiều thành phần trong đó có nguồn gốc từ các tài nguyên thiên nhiên, nên nhiều nước trên thế giới đã coi việc phân loại và xử lý rác là một ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận.
Còn ở Việt Nam, rác thải được xử lý lâu nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy nhiều bãi rác đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường rất nặng nề, đồng thời lãng phí một lượng lớn rác có thể tái chế sử dụng do thói quen không phân loại rác của người dân.
Việc xử lý rác phổ biến hiện nay là chôn lấp và đốt thủ công chưa qua phân loại chiếm 50%, gồm các chất như nhựa, kim loại nặng, chất hữu cơ là những thứ lãng phí nhiều nhất.
Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn-Hà Nội) là một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác được đánh giá tốt nhất ở Việt Nam. Nhưng rác thải túi nylon, chất hữu cơ, dầu thải, bông băng y tế, sắt vụn được thu gom về đây cũng không được tái chế và tái sử dụng mà chủ yếu chôn lấp.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hàng năm có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó 50 – 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới. Song số lượng rác được thu gom về chỉ có gần 10% được tái chế sử dụng.
TTXVN cho biết một số quốc gia như Thái Lan, Myanmar, Singapore với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, nên mỗi năm họ đã tiết kiệm được 50-55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế rác thải…
Trong khi đó tại Việt Nam, số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.
99% rác thải tại Thụy Điển được tái chế như thế nào?
Thụy Điển có thể xem là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường hiện nay. Ở Thụy Điển, chuyện mỗi hộ gia đình có đến 6-7 loại thùng rác trong nhà để phân loại rác từ nguồn là điều khá bình thường. Ngoài chuyện bảo vệ môi trường có sự phối hợp từ ý thức của người dân, công nghệ xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả cũng là điểm đáng chú ý của quốc gia Bắc Âu này.
Tại Malmo, thành phố lớn thứ 3 Thụy Điển, đến 60% lượng điện tiêu thụ và nhiệt cung cấp cho hệ thống sưởi tại đây lại đang được cung cấp từ một nhà máy tái chế rác thải. Công ty xử lý rác thải Sysav được quản lý bởi 16 thành phố phía Nam Thụy Điển, xử lý rác thải trong khu vực và cũng cung cấp nhiên liệu cho chính các thành phố này.
Hệ thống tái chế xử lý rác hiệu quả ấy đã giúp cho Thụy Điển trở thành nước đầu tiên trên thế giới tái chế được đến 99% lượng rác thải của mình. Chỉ có 1% rác từ các hộ gia đình bị thải ra môi trường.
Công nghệ phát triển đến mức nước này đang phải nhập khẩu rác từ các nước khác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Các sà lan chở rác vẫn cập cảng Malmo hàng tuần. Rác đến từ Anh và nhiều nước châu Âu khác. 55% rác được đốt trở thành nguồn cung cấp điện và khí sưởi, phần còn lại tái chế thành nguyên vật liệu mới hoặc thành phân bón sinh học, khí sinh học.
Nhờ máy móc tự động, cả hệ thống vận hành không cần nhiều nhân công. Bên cạnh đó, công việc cũng đơn giản hơn nhiều khi bản thân mỗi người dân đã hình thành thói quen phân loại rác từ đầu. Việc tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng liên quan đến các vấn đề rác thải và bảo vệ môi trường cũng là công việc mà các doanh nghiệp xử lý rác thải thường xuyên phối hợp thực hiện cùng các thành phố.
Xử lý rác có thể coi là một ngành kinh tế ở Thụy Điển với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Trong khi xử lý rác thải vẫn là chuyện đau đầu với nhiều quốc gia, kể cả với nhiều nước châu Âu, mỗi năm 700.000 tấn rác từ các nước vẫn được chuyển vào Thụy Điển để nước này chạy các nhà máy tái chế của mình.