2018 Hà Nội sẽ xóa bỏ 70% số lượng bếp than tổ ong
2018 Hà Nội sẽ xóa bỏ 70% số lượng bếp than tổ ong
Tỷ lệ người mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư thanh quản, viêm nhiễm đường hô hấp và phổi đang có xu hướng tăng lên trong cộng đồng dân cư có sử dụng bếp than tổ ong.
Ngoài ra, trong than còn có một số hợp chất hữu cơ phát ra khi đun ở nhiệt độ thấp, gọi là các chất hữu cơ mạch vòng, chất này có khả năng gây bệnh ung thư, đặc biệt, chúng còn phát ra các ôxít kim loại như chì, kẽm… vốn là những chất rất độc cho cơ thể người.
Theo kết quả nghiên cứu, nếu phụ nữ mang thai thường xuyên phải sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi khói than thì nguy cơ bị sảy thai, thai bị biến dạng, dị tật hay khiếm khuyết là rất cao.
Sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố Hà Nội đang gây ra lượng khí thải lớn, ảnh hưởng đến môi trường sống và chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô. Để góp phần giảm thiểu những tác hại đó, Hà Nội đang quyết liệt giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong đó hạn chế sử dụng bếp than tổ ong được ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Kết quả khảo sát hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong ban đầu ở 23/30 quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho thấy có khoảng 55.000 bếp. Tỷ lệ bếp than tổ ong tại các quận nội thành chiếm 63% do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán hàng trên vỉa hè…. Các quận Ba Đình, Đống Đa, Long Biên sử dụng nhiều bếp than tổ ong nhất., trung bình Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào không khí.
Theo Báo Tài nguyên & Môi trường, để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chọn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm làm thí điểm mô hình chuyển đổi sang sử dụng công nghệ bếp xanh. Việc sử dụng mô hình chuyển đổi này nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng bếp than tổ ong, tạo ra nhu cầu sử dụng bếp cải tiến thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí thải, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thực hiện mô hình này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình triển khai mô hình thí điểm “Sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong” trên địa bàn phường Trúc Bạch.
Tham gia chương trình, người dân phường Trúc Bạch sẽ được thử nghiệm và sử dụng bếp cải tiến đã được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế với mức giá ưu đãi tại các kênh phân phối thuận tiện ở địa phương. Các hộ dân trên địa bàn phường sẽ được dùng thử các loại bếp cải tiến miễn phí trong vòng 1 tháng và mỗi hộ dân được phát miễn phí 5 kg nhiên liệu. Cùng với đó, các hộ dân trên địa bàn phường được ưu đãi từ 30 – 50% kinh phí khi mua bếp cải tiến.
Theo bà Lê Thanh Thủy, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cùng với việc khuyến khích người dân có những trải nghiệm thực tế với các bếp cải tiến, tự nguyện chuyển đổi thói quen sử dụng để dần thay thế bếp than tổ ong thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị, tổ chức; đặc biệt là người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố.
Để xử lý bếp than tổ ong, trong năm 2018 sẽ xóa bỏ 70% số lượng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố. Năm 2019 sẽ thay thế 100% số lượng bếp than tổ ong. Năm 2020 duy trì kết quả thay thế 100% bếp than tổ ong. Giải pháp công nghệ được khuyến khích áp dụng là bếp cải tiến tiết kiệm nhiên liệu, an toàn, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện kinh tế. Một số loại bếp cải tiến như bếp thế hệ xanh, bếp tre xanh… Đây là bếp đun đa năng không cần quạt, dùng viên nén có quạt thổi với chất liệu inox sạch, có độ bền cao.